Cộng đồng các Họ Tộc Việt Nam
Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016
LÀNG ĐÔNG BÀN
VĂN CÔNG BIÊN (VĂN NGỌC BIÊN)
Làng Đông Bàn nay là một phần của xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Từ xưa tổ tiên ta đã thiết kế ngôi làng xem rất khoa học, vừa thuận lợi cho sự sinh hoạt cộng đồng, vừa tạo một cảnh quang cân đối thật đẹp mắt.
Làng chia thành 2 khu vực dân cư: Khu phía Bắc dọc theo bờ sông nhánh Thu Bồn và con đường hương lộ lớn thông với các làng bên cạnh, dân cư quy tụ thành 4 ấp: Ấp Hòa Bình, ấp Đông Hà, ấp Bắc Tân và ấp Tây Xuyên, xưa gọi là từ ấp.
- Khu phía nam dọc theo bờ sông Thu Bồn và con đường Tổng lộ, thông với các xã trong Tổng, dân cư quy tụ thành 2 ấp: Ấp Nam Dương và ấp Tây Hà gọi là Nhị ấp. Các ấp đều cư trú dọc bờ sông nên địa danh có chữ: Hà, Xuyên, Tân.
Hai khu dân cư Bắc – Nam đối diện nhau phần gữa là cánh đồng rộng lớn, vùng ruộng đất cày cấy của xã dân.
Khu trung tâm làng nằm giữa cánh đồng là công trình của cộng đồng làng do làng xã quản lý, nơi dân làng thường lui tới, gồm có: Đình làng, chùa, nhà thờ Tiền hiền và trường học.
Nối liền giữa hai khu dân cư và khu trung tâm là con lộ lớn thuộc nội bộ giao thông để: Dân làng liên lạc với nhau, đến khu trung tâm và hàng ngày làm việc đồng án trên cánh đồng.
Xã nằm trên địa bàn Gò Nổi, hai cạnh Bắc – Nam đều giáp sông, nên mỗi khu đều có bến đò ngang: Khu Bắc có đò Lam, khu Nam có đò Dật, để nhân dân các nơi thông thương với xã.
Các công trình văn hóa bố trí rãi rác khắp xã, công trình do xã quản lý gồm có: Đình là nơi thờ thần, cầu phò hộ cho phong điều võ thuận, quốc thái dân an, và cũng là trụ sở hành chánh xã, nơi làm việc và hội họp của viên chức xã (nhóm việc làng) và nơi tập họp xã dân khi có lễ hội. Viên chức xã có chánh phó Lý trưởng và ngủ hương.
- Chùa làng thờ Phật, nơi phật tử trong làng đến tụng niệm, có thầy cư sĩ lo hương khói.
- Trường học (có tấm biển hiệu Đông Bàn trường sơn son thép vàng bằng chữ nho) có từ thời vua Khải Định gọi là hương trường có hương sư giảng dạy, học cả hai môn Quốc ngữ và chữ Nho.
- Nhà thờ tiền hiền thờ các vị: Tứ tánh Triệu Cơ (họ Phạm, Nguyễn, Hồ, Văn), Cửu tông, tứ Công Đức và các vị Thỉ Tổ chư tộc tánh trong xã.
Các công trình khác của xã, bố trí ở 2 khu dân cư: Khu Bắc (tứ ấp) có miếu Thần Húc, nền thần nông và Văn Thánh làng (Hội tư văn) khu Nam (nhị ấp) có miếu Thành Hoàng, tại đây lại có một kiến trúc đồ sộ là: Văn thánh (Văn từ phủ) của Huyện Diên Phước xưa, nay là hai phủ huyện Điện Bàn và Đại Lộc, do quan thân của hai phủ huyện này lập nên (quan thân xuất thân khoa bảng từ tú tài trở lên) để thờ phụng đức Khổng tử, tứ phối, thập triết và thất thập nhị hiền.
- Về hành chánh xã có: Lý trưởng, các phó lý trưởng và ngủ hương: Hương bộ lo về bộ đinh, bộ điền (dân số, ruộng đất) Hương kiểm phòng kiểm gian phi, trật tự trị an. Hương mục lo đường sá cầu cống. Hương sắc giữ thần sắc Hương dịch (Trùm) lo dịch vụ…
- Ấp tuy không phải là đơn vị hành chánh, chỉ là hội thờ cúng, cầu an nhưng theo hương ước nó cũng có phần giúp xã giữ gìn trật tự trong ấp. Ban chức dịch ấp gồm có: Hội chủ, thủ bổn, tư lễ, tư nhạc, thủ khoán và ấp trưởng (trưởng mà lại là chức nhỏ nhất trong ấp) chuyên làm tạp dịch.
Xã không làm việc thường trực, chỉ khi nào có công việc thì nhóm trống đình viên chức họp mặt giải quyết gọi là nhóm làng.
- Tộc họ: Trước 1945, xã có 26 tộc, mỗi tộc có nhiều phái, chi, có từ đường bổn tộc, phái, chi. Chức dịch tộc có tự tôn, tộc biểu, bảo tộc, thủ bổn….do tộc cử, riêng tộc biểu và bảo tộc khi cử xong hai chức vụ này phải có văn bản trình làng.
- Đối nội bộ: Tộc có nhiệm vụ nhắc nhở và giúp đỡ tự tôn lo việc thờ cúng tổ tiên, giáo dục con dân trong tộc, giữ gìn tôn ty trật tự trong tộc, giải quyết những tranh chấp trong dân tộc, có thể thừa mệnh tổ tiên phạt vạ những phần tử trong Tộc phạm tội bất hiếu, ngổ nghịch, phạm luân lý .
- Đối với làng xã, Tộc là đơn vị cơ sở của làng, có chức tộc biểu (đại biểu của tộc) tham dự việc làng, tham gia công cử lý trưởng (1 phiếu bầu cử) con dân trong tộc phạm lỗi, tộc cũng phải chịu một phần trách nhiệm trước làng xã.
Làng Đông Bàn nay cùng với các làng cũ khác họp thành liên xã Điện Trung gồm: Đông Bàn, Phú Lãnh, Lư Ngư, Phú Bàn, Lãnh Đông, Bàn Lãnh, Trừng Giang, Dinh Trận Tây và Kỳ Lam ấp Nam.
Bộ máy chính quyền đoàn thể xã gồm có: Đảng ủy xã, Hội đồng nhân dân xã, Ủy ban nhân dân xã, Mặt trận tổ quốc VN xã. Các đoàn thể có ban chấp hành, thanh niên, phụ nữ, nông hội, hội cựu chiến binh, thôn có chi ủy, đoàn thể thôn.
Sau chiến tranh (1975) từ các nơi sơ tán, nhân dân trở về đều tập trung lại hai khu cư trú cũ nên nhìn trên địa bàn Đông Bàn không khác mấy, nhưng về chi tiết thì có thay đổi nhiều. Do sau chiến tranh không còn nhà cửa nên chính quyền quy hoạch lại: Mở đường, phân lô vườn tược sắp xếp nhà cửa theo quy định. Đường sá rộng rãi được bê tông hóa xe cộ lưu thông thuận tiện. Quy hoạch mồ mã tập trung thành một nghĩa địa, phân ra từng nghĩa trang tộc họ. Các mộ địa cũ sau khi thiên di mồ mã, nay thành ruộng đất cày cấy nên diện tích đất canh tác được mở rộng.
Nông nghiệp phát triển nhờ có kỹ thuật khoa học nên sản lượng lương thực tăng cao, đời sống nhân dân khá lên.
Nhìn chung trên quá trình xây dựng làng xã từ trước đến nay, nhân dân ta đã một lòng kế thừa sự nghiệp xây dựng của tổ tiên ta, cùng tô điểm cho hương thôn ngày một tươi đẹp, thuận tiện cho nhân dân an cư lạc nghiệp để khỏi phụ công đức của tiền nhân.
VCB
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét